Nên mạnh dạn điều chỉnh quy hoạch
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.
Một trong những giải pháp được Chính phủ đưa ra để phát triển bền vững ĐBSCL đó là phát triển công nghiệp xanh, ít phát thải, không gây tổn hại đến hệ sinh thái tự nhiên; phát triển năng lượng tái tạo gắn với bảo vệ rừng và bờ biển.
Trao đổi với Đất Việt, ông Trần Đình Sính, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) rất hoan nghênh nghị quyết này của Chính phủ và nhắc lại phát biểu của Thủ tướng tại Hội nghị Diên Hồng tổ chức ở ĐBSCL hồi tháng 9/2017 về việc hạn chế tối đa nhiệt điện than, nhất là một số công nghệ lạc hậu.
Thủ tướng cũng cho rằng cần phải hạn chế nhiệt điện đốt than ở ĐBSCL vì nó sẽ "ảnh hưởng đến lợi ích lâu dài của địa phương”.
Với sự ra đời của Nghị quyết về phát triển bền vững ĐBSCL, ông Trần Đình Sính cho rằng, cần phải xem xét lại quy hoạch các nhà máy điện tại ĐBSCL.
Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 tại huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: TBKTSG |
Theo Quy hoạch Điện VII điều chỉnh, từ nay đến năm 2030, khu vực ĐBSCL có đến 14 nhà máy nhiệt điện than với công suất 18.268 MW. Trong đó, tỉnh Trà Vinh có 4, Bạc Liêu 1, Hậu Giang 2, Long An 2, Sóc Trăng 3 và Tiền Giang 2 nhà máy.
"Ngay cả khi sử dụng công nghệ mới nhất, các nhà máy này sẽ vẫn phát thải một lượng lớn các chất gây ô nhiễm không khí độc hại, cácbon và tro xỉ.
Hơn nữa, theo phân tích của GreenID, nếu tất cả các nhà máy nhiệt điện than nêu trên được vận hành tại ĐBSCL, mỗi ngày sẽ thải ra khoảng 70 triệu m3 nước nóng lên tới gần 40 độ C.
Đây sẽ là rủi ro rất lớn đối với hệ sinh thái dưới nước và nguồn lợi thủy sản của vùng này. Khi chúng tôi đi khảo sát một số nhà máy nhiệt điện thì thấy nhiều ngư dân đã phải bỏ nghề, hoặc nếu muốn đánh bắt cá thì phải ra xa", ông Sính cảnh báo.
Cũng theo Phó Giám đốc của GreenID, nếu tính đúng, tính đủ, kể cả tính đến thiệt hại cho xã hội do môi trường và phí các bon thì giá nhiệt điện than sẽ lên tối đa khoảng 11 cent/kWh. Tuy nhiên, trước nay, nhiệt điện than lại không tính vào dù biết rõ điều đó.
"Chúng tôi có nghiên cứu và thấy rằng từ Quy hoạch Điện VII đến Quy hoạch Điện VII điều chỉnh đều không tính các yếu tố trên vào nên giá điện than rẻ một cách không hợp lý.
Nếu tính vào thì năng lượng tái tạo cùng thế mạnh của nó sẽ có cơ hội cạnh tranh. Lý do tại sao không tính thì chúng tôi không rõ vì Viện Năng lượng là người trực tiếp làm vấn đề này và Bộ Công thương thẩm định", ông Trần Đình Sính băn khoăn.
Một lý do khác khiến vị chuyên gia cho rằng cần thiết phải xem lại quy hoạch các nhà máy nhiệt điện khu vực ĐBSCL là, theo Quy hoạch Điện VII điều chỉnh, đến năm 2030 lượng than Việt Nam phải nhập khẩu là trên 80 triệu tấn. Điều này đặt ra vấn đề về an ninh năng lượng.
Ông Trần Đình Sính nhắc lại sự việc năm 2015, những trận mưa lớn khiến nhiều mỏ than ở Quảng Ninh bị sạt, trượt, phải dừng hoạt động. Một số nhà máy sử dụng than Quảng Ninh gặp khó khăn. Chẳng hạn, Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 chỉ dự trữ than 4,5 ngày.
"Nếu mai này Việt Nam phải nhập khẩu than với khối lượng lớn, làm sao đảm bảo nguồn cung của các nước ổn định? Chưa kể, khi vận chuyển mấy nghìn cây số về Việt Nam, tàu thuyền vận chuyển ra sao?
Có tính đến chuyện có thể xảy ra xung đột quân sự, cướp biển... không? Tiền đâu để nhập? Kế hoạch nhập thế nào?
Nhập thì phải làm cảng nhưng chúng tôi xem quy hoạch cảng chưa thấy động tĩnh gì. Tựu chung lại, từ đường sá, phương tiện vận chuyển cả đường thủy vẫn đường bộ đều chưa thấy gì nên chuyện ấy hơi xa vời", ông Sính cho biết.
Từ đây, vị chuyên gia cho rằng cần mạnh dạn điều chỉnh quy hoạch điện của ĐBSCL và tuân theo nguyên tắc, quy hoạch năng lượng nói chung và quy hoạch điện nói riêng của ĐBSCL phải nằm trong quy hoạch tổng thể của vùng.
"Một số nhà máy đã vận hành, xây dựng thì phải chịu. Còn việc mới các nhà máy nhiệt điện than thì cái giá phải trả rất lớn. Chúng ta có thể tránh được điều này bằng cách dừng ngay việc xây dựng các nhà máy điện than mới.
Việt Nam đang có cơ hội lớn để không phụ thuộc vào than nhập khẩu và phát triển hệ thống năng lượng tái tạo hiện đại mà không gây ô nhiễm không khí, nguồn nước và đất nông nghiệp", ông Trần Đình Sính nhấn mạnh.
Phát triển điện gió, điện mặt trời
Bàn về nguồn năng lượng thay thế cho nhiệt điện than, vị Phó Giám đốc GreenID nhận xét, điện mặt trời và điện gió là khả thi nhất.
Cụ thể, nếu thay thế bằng nhiệt điện khí thì điểm lợi là nhiệt điện khí chỉ phát thải CO2 và mức độ phát thải chỉ bằng một nửa nhiệt điện than, không phát thải bụi nên có thể làm được.
Tuy nhiên, nếu làm thì Việt Nam sẽ phải nhập khẩu khí. Việt Nam có mỏ khí Cá Voi Xanh, dự kiến từ nay đến năm 2025 khai thác trên 10 tỷ m3/năm. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm xung quanh mỏ khí này, do đó, nếu phát triển nhiệt điện khí chắc chắn Việt Nam phải nhập khẩu.
Trong khi đó, tiềm năng về gió, mặt trời của vùng ĐBSCL rất lớn. Nếu xây dựng một nhà máy nhiệt điện than thì phải 30-40 năm nữa mới đóng cửa được, nếu đóng cửa trước thì phải đền bù cho nhà đầu tư, trong khi lại gây ô nhiễm. Còn điện mặt trời cứ 4-5 năm thì giá lại giảm một nửa.
Chính vì thế, ông Trần Đình Sính cho rằng, Việt Nam cần tập trung cho kế hoạch phát triển năng lượng sạch cho ĐBSCL, phù hợp với kế hoạch tổng thể mới về môi trường, kinh tế và xã hội của khu vực này.
Thành Luân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét