Liên quan đến việc quy hoạch phân khu xây dựng khu du lịch sinh thái Bạch Mã (Thừa Thiên Huế), trao đổi với Đất Việt, ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Công ty Du lịch Lửa Việt thú nhận ông "phát hoảng" khi nghe thông tin này.
Nhiều đồng nghiệp và khách hàng của ông cũng gọi điện chia sẻ, bày tỏ sự lo lắng và phản đối việc xây dựng các khu nghỉ dưỡng, tâm linh, mua sắm... trên đỉnh Bạch Mã bởi lo ngại những công trình đó sẽ phá nát hệ sinh thái nơi đây.
Theo vị chuyên gia du lịch, Vườn quốc gia (VQG) Bạch Mã hiện nay là một trong những điểm hiếm hoi của Việt Nam còn giữ được những nét đặc trưng với rừng nguyên sinh bạt ngàn, thảm thực vật đa dạng và hệ động vật phong phú...
Cá nhân ông đã từng mấy lần lên Bạch Mã và vô cùng ấn tượng với cảnh vật thiên nhiên nơi đây, với thác Đỗ Quyên cao 300m, được xem là thác cao nhất ASEAN; lên Vọng hải đài thưởng ngoạn toàn cảnh Bạch Mã; ngắm các loại cây, con cực hiếm nơi đây như gà lôi lam màu trắng, trĩ sao, loài dương xỉ 2 loại lá khác nhau trên cùng một cây gọi là lá sinh trưởng và lá tăng trưởng....
Vì lẽ đó, ông khuyến cáo việc quy hoạch du lịch tại Bạch Mã phải hết sức cẩn trọng bởi khả năng quản lý còn nhiều yếu kém của người làm du lịch hiện nay ở Việt Nam cũng như nguy cơ các nhóm lợi ích.
Phối cảnh tổng thể Dự án Khu du lịch sinh thái Bạch Mã |
"Du lịch sinh thái đang bị hiểu rất sai. Ở đồng bằng, đặc biệt là ở miền Tây, người ta hiểu sinh thái có nghĩa là dựng mấy cái chòi tranh để nhậu tưng bừng. Cái này gọi là SINH NHẬU. Ở miền Bắc là chùa và cáp treo.
Việt Nam chỗ nào cũng cáp treo, tâm linh, thích thì làm, không có quy hoạch gì. Xin đừng lạm dụng từ tâm linh! Người ta chỉ cần đến tâm linh khi không còn tin tưởng vào xã hội thực tại.
Xin hãy tha cho Bạch Mã. Xin đừng tròng vào cổ Bạch Mã sợi dây xích mang mỹ từ Cáp Treo.
Những lần lên Bạch Mã, tôi thích nhất là mấy dòng chữ mộc mạc mà tinh tế: “Đừng để lại gì trong rừng ngoài những dấu chân”, “Đừng mang theo gì về nhà ngoài những bức ảnh”…
Đơn vị tư vấn đang trấn an dư luận bằng mọi cách thông qua những số liệu cam kết bảo tồn hệ sinh thái và phát triển bền vững. Tôi hoàn toàn mất niềm tin. Bởi dự án nào cũng khẳng định, cũng cam kết như vậy. Nói chỉ để mà nói, không ai giám sát, cũng không thể can ngăn, một khi đồng tiền khuynh loát tất cả.
Bạch Mã là mỏ vàng du lịch, nếu cải tạo vẫn cần phải giữ nguyên vẹn những nét đẹp hoang sơ thuở ban đầu. Bằng không, chỉ còn là điểm du lịch thuần túy xô bồ, tạp nham. Một khi hệ sinh thái thay đổi, chim và thú bỏ đi, liệu Bạch Mã còn lại gì?", ông Nguyễn Văn Mỹ đặt câu hỏi.
Đầu tư tốt nhất cho Bạch Mã, theo vị chuyên gia, là dẹp ngay dự án cáp treo và đủ thứ làng tâm linh, sinh thái, nhà hàng... Chỉ cần phục dựng các biệt thử cổ trên nền cũ bằng vật liệu tự nhiên. Có thể mở rộng chừng mực các bulgalow dạng "sixsense". Khống chế lượng khách lên Bạch Mã mỗi ngày.
Theo ông Mỹ, Bạch Mã chỉ có giá trị khi giữ nguyên trạng, hạn chế tối đa đầu tư xi măng cốt thép. Bạch Mã từng là Trại Trường huấn luyện của Hướng đạo sinh Đông Dương do vua Bảo Đại và vua Monivong (Campuchia) sáng lập. Bằng Rừng (Wood Badge) từng niềm tự hào, là ISO đẳng cấp của nhiều lớp huynh trưởng Hướng đạo Đông Dương từ 1938 -1944, trong đó có nhiều người là cán bộ cao cấp của cách mạng.
"Theo tôi, Bạch Mã nên đầu tư và phát triển theo hướng Trại Trường, là Trung tâm huấn luyện ngoài trời (Outdoor Trainning) không chỉ của Việt Nam và cả châu Á.
Phải quy định số người lên mỗi ngày, số người ở lại mỗi đêm để đảm bảo chất lượng và cả đẳng cấp thương hiệu", vị chuyên gia đề xuất.
Ông kể vừa có chuyến đi đến Bhutan - nơi được coi là xứ sở hạnh phúc nhất, ở đó thiên nhiên vẫn còn nguyên.
"Ở Bhutan có một câu thế này: Thiên nhiên là nguồn cội tất cả hạnh phúc của chúng ta. Nếu chúng ta phá nhiên nhiên khác nào phá đi hạnh phúc? Vì thế, một lần nữa tôi nhấn mạnh, Việt Nam phải giữ lại điểm hoang sơ Bạch Mã, bảo tồn hệ sinh thái ở đây.
Giữa bảo tồn và phát triển không hề có sự mâu thuẫn, có bảo tồn thì mới phát triển được. Chỉ có mâu thuẫn giữa cộng đồng, giữa nhân dân với các nhóm lợi ích, với cấp quản lý bị chi phối bởi đồng tiền.
Ở các quốc gia khác cũng không hề có mâu thuẫn vì người ta không chỉ bảo tồn kiến trúc mà còn bảo tồn cả cảnh quan, không gian. Cách bảo tồn tốt nhất là phát triển du lịch cộng đồng và điều này ở Việt Nam làm rất dễ", vị chuyên gia cho biết.
Ông Nguyễn Văn Mỹ đặc biệt ấn tượng với cách làm du lịch của Bhutan. Theo đó, Bhutan không chú trọng thu hút số lượng khách du lịch ồ ạt, trái lại họ tập trung phát triển du lịch bền vững, đi kèm với bảo tồn thiên nhiên, văn hóa.
Quốc gia này yêu cầu mọi du khách đến đây, mùa cao điểm phải trả 250 USD mỗi ngày cho mỗi khách, mùa thấp điểm là 200 USD. Số tiền này bao gồm các dịch vụ ăn uống, khách sạn, xe đưa đón, chi phí tham quan, bảo hiểm...
Trong khi đó, ở Việt Nam, doanh thu trên mỗi đầu khách cả chuyến đi, cao nhất là TP.HCM, chỉ có 3,7 triệu đồng (tương đương 170 USD, chưa bằng 1 ngày du lịch ở Bhutan).
Tỉnh thấp nhất là Thái Nguyên chỉ được 139.000 đồng/người/chuyến, còn Đồng Tháp năm 2017 đón 3,3 triệu khách, thu được 650 tỷ đồng, mỗi người cũng chỉ chi 197.000 đồng/chuyến.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét