Trên đoạn thượng lưu Siang của dòng sông lớn nhất Ấn Độ Brahmaputra mới đây xảy ra tình trạng dòng nước đen ngòm, cạn kiệt.
Chính quyền bang Arunachal Pradhesh cảnh báo người dân không tiếp tục dùng nước từ sông Siang.
Bùn đen đầy sông Siang (Ấn Độ). |
"Các mẫu nước được thử nghiệm trong phòng thí nghiệm của chúng tôi sử dụng công nghệ quang phổ công nghệ cao cho thấy độ đục là 425 so với phạm vi cho phép là 0-5" - chuyên gia điều hành của Bimal Welly cho biết.
Ông Tamyo Tatak, Trưởng huyện Đông Siang, cho hay vô số cá chết trong gần 2 tháng qua.
“Nước không thể dùng vào bất cứ việc gì do chứa chất đặc quánh như xi măng”, ông mô tả.
Trước đó, nhiều người dân cứ nghĩ dòng sông bị đục do mưa lũ. Tuy nhiên, khi mùa mưa hết dòng sông tiếp tục đen ngòm một cách bất thường trong gần 2 tháng qua.
Trưởng huyện Tatak cho hay, ngay cả ông nội của ông cũng chưa từng chứng kiến tình trạng bất thường của dòng nước như thế này bao giờ.
Lãnh đạo huyện Đông Siang cho biết, đây là nơi bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi tình trạng ô nhiễm.
Trong khi đó, Đại biểu quốc hội Ninong Ering trong lá đơn kiến nghị gửi lên Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết, nước sông đã trở nên đen ngòm, đầy bùn và ô nhiễm nặng.
“Tôi lớn lên tại đây và biết rõ sông Siang luôn trong vắt vào tháng 11 hằng năm đến mức nhìn thấy đáy" - Đại biểu Ninong Ering khẳng định.
Được biết, hiện các chuyên gia Ủy ban Trung ương về nước của Ấn Độ đang thu thập mẫu nước để xét nghiệm.
Trung Quốc đang làm gì ở thượng nguồn?
Siang là tên gọi đoạn thượng lưu của Brahmaputra, dòng sông lớn nhất chảy qua miền đông Ấn Độ trước khi đổ sang Bangladesh ra vịnh Bengal.
Thượng nguồn của sông Siang là sông Yarlung Tsangpo ở Tây Tạng.
Trong khi đó, tờ báo Hồng Kông The South China Morning Post đưa tin, các kỹ sư Trung Quốc đang thử nghiệm kỹ thuật phục vụ dự án xây đường hầm chuyển nước dài 1.000 km từ thượng nguồn sông Brahmaputra ở Tây Tạng. Dự án đầy tham vọng nhằm biến vùng Tân Cương khô cằn phát triển “như California”.
Đại biểu Quốc hội Ấn Độ Ering nghi ngờ ô nhiễm xảy ra do dự án đào 1.000 km đường hầm để chuyển nước từ sông Yarlung Tsangpo của Trung Quốc.
Theo ông Ering, dự án này đã bắt đầu giai đoạn 1 tại tỉnh Vân Nam của Trung Quốc với chặng đường hầm dài 600 km.
“Tôi cho rằng họ đang xây hơn 10 đoạn đường hầm và dùng hàng ngàn xe tải hoặc các tàu lớn để lấp đất xuống sông”, ông đoán.
Sông Siang sắp cạn nước và ô nhiễm trầm trọng |
Lo ngại việc sông Siang sắp cạn kiệt nguồn nước, ông Ering kêu gọi Trung Quốc và Ấn Độ cùng cử các chuyên gia và một quan sát viên quốc tế đi dọc theo đoạn sông phía Tây Tạng để kiểm tra.
"Trì hoãn sẽ cho phép Trung Quốc khai thác tài nguyên nước này và gây ra xung đột lớn trong vành đai Siang và Assam nói riêng và cả 3 nước Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh nói chung" - Đại biểu Ering nhấn mạnh.
Ông Ering phân tích: "Ngay bây giờ, Trung Quốc đang bận rộn với việc xây dựng đường hầm dài 600 km và sẽ chuyển hướng nước từ tây bắc Vân Nam đến các vùng khô cằn.
Đường hầm này sẽ cắt ngang qua các ngọn núi cao hàng ngàn feet trên mực nước biển và sẽ là một bài kiểm tra kỹ thuật của Trung Quốc bởi nó sẽ đi qua nhiều đường đứt gãy".
Được biết, dự án này trị giá 78 tỷ nhân dân tệ (11.7 tỷ USD) là một cuộc tập dượt cho kế hoạch mở đường hầm dài 1.000 km để chuyển hướng nước vùng trũng của sông Yarlung Tsangpo về Vân Nam.
Công nghệ mới, các phương pháp kỹ thuật và thiết bị đang được sử dụng để xây dựng đường hầm Vân Nam từ đó sẽ được triển khai cho đường hầm Yarlung Tsangpo
Dự án hầm này sẽ cung cấp 3 tỷ tấn nước để tưới 30.000 ha đất nông nghiệp mới, tạo ra 3,4 triệu việc làm và tăng 330 tỷ NDT cho nền kinh tế Vân Nam.
Trong khi đó, nhiều người dân địa phương hôm 27/11 đã tập trung lại để phản đối việc Trung Quốc xây “công trình khổng lồ” ở thượng nguồn, đồng thời kiến nghị Thủ tướng Narendra Modi xem xét vụ việc.
Trung Quốc phủ nhận liên quan bùn đen ở Siang
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng cho rằng thông tin trong bài báo về dự án chuyển nguồn nước của họ là không đúng.
Trung Quốc cho rằng, việc xây dựng đường hầm ở đâu là công việc của người Trung Quốc. Những bài học rút ra từ đường hầm ở Vân Nam rất có thể sẽ được sử dụng nhanh chóng trong các công trình thăm dò cho đường hầm ở Tây Tạng.
Trung Quốc muốn chuyển dòng sông đổ về Tân Cương thay vì xuống Ấn Độ. |
Đường hầm này, theo các nhà thủy văn và kỹ sư Trung Quốc, có thể bắt đầu từ hạt Sangri ở phía nam của Tây Tạng và sẽ mang 10- 15 tỷ tấn nước của Yarlung Tsangpo tới sa mạc Taklimakan ở Tân Cương.
Tiến sĩ Jagannath Panda, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Quốc gia Ấn Độ cho rằng: "Nước chắc chắn đã trở thành một vấn đề mâu thuẫn giữa Ấn Độ và Trung Quốc, và nó liên quan đến xung đột về các nguồn lực cũng như tranh chấp biên giới. Hơn nữa, cuộc xung đột về nước có thể có những hậu quả cho các nước khác trong khu vực và định hình tư duy chiến lược của họ".
Dòng sông Brahmaputra đã từng chứng kiến mâu thuẫn giữa Ấn Độ và Trung Quốc trong hơn một thập kỷ qua. Vấn đề then chốt giữa hai nước là việc xây dựng các đập nước của Trung Quốc trên lãnh thổ của họ có ảnh hưởng trực tiếp tới vùng lưu vực Yarlung Tsangpo chảy xuống Ấn Độ.
Nỗi sợ hãi nhen nhóm ở Ấn Độ khi bất cứ kế hoạch nào của Trung Quốc muốn chuyển hướng của con sông trong thời kỳ ổn định có thể gây ra sự khan hiếm nước ở vùng Đông Bắc Ấn Độ vào mùa hạn trong năm.
Ngọc Dương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét