Trong hai ngày 26 và 27/9, Hội nghị về chuyển đổi mô hình phát triển bền vững ĐBSCL nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu ở ĐBSCL diễn ra tại TP. Cần Thơ thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới khoa học và nghiên cứu trong nước cũng như quốc tế.
Đây được cho là cuộc thảo luận tầm cỡ nhất từ trước tới nay của Chính phủ, thể hiện quyết tâm trong việc thích ứng và cải thiện tình trạng tiêu cực ở ĐBSCL do biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị |
Ngày 27/9, phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao về các góp ý của giới khoa học trong nước, quốc tế về thực trạng, định hướng và các mô hình tham khảo để phát triển bền vững vùng ĐBSCL.
Thủ tướng cũng thông báo về kết quả chuyến thăm Hà Lan - quốc gia thích ứng tốt nhất với biến đổi khí hậu - từ đó bày tỏ lạc quan về tương lai đưa khu vực đồng bằng có nguy cơ bị xóa sổ trong 100 năm tới thành "một khu vực giàu có của Việt Nam gần 100 triệu dân".
Đề nghị nói thẳng, nói thật, phản biện về các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng cho rằng, Hội nghị phải đưa ra được những giải pháp khả thi và tốt nhất về tổng thể để Chính phủ có các chính sách đáp ứng, huy động nguồn lực để thực thi.
Chính phủ xác định tầm nhìn là kiến tạo phát triển bền vững, thịnh vượng, trên cơ sở làm cho đất và nước điều hòa để nâng cao đời sống của nhân dân. Câu nói này Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời từng căn dặn.
“Chúng ta không hoảng hốt mà cần tìm ra lối đi, cách làm tốt nhất, khoa học nhất, phù hợp nhất, trong đó đổi mới tư duy, hành động của hệ thống chính trị và người dân... ĐBSCL sẽ là một khu vực giàu có của Việt Nam gần 100 triệu dân. Tôi lạc quan về ĐBSCL của chúng ta" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng thị sát ĐBSCL bằng máy bay. |
Trước khi chủ trì Hội nghị sáng 27/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chuyến bay thị sát toàn vùng ĐBSCL vào chiều 26/9 cũng như chuyến bay thị sát những lưu vực sông chính và vùng duyên hải của Hà Lan 2 tháng trước.
Trước đó, ngày 26/9 cũng đã diễn ra 3 phiên thảo luận chuyên sâu của các Bộ ngành chức năng với giới nghiên cứu khoa học về phát triển bền vững ở ĐBSCL gồm Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Vùng ĐBSCL bao gồm 13 tỉnh, thành phố; diện tích khoảng 3,9 triệu ha, chiếm khoảng 12,3% diện tích tự nhiên của cả nước. Đây cũng là khu vực rộng và đông dân cư thứ 2 trong tất cả các vùng kinh tế của cả nước chỉ sau Đồng bằng châu thổ sông Hồng.
ĐBSCL được đánh giá là một trong bốn đồng bằng bị tác động mạnh nhất do biến đổi khí hậu, nước biển dâng và tác động từ thượng nguồn sông quốc tế Mekong.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, ĐBSCL bị tác động thì nông dân là nhóm đối tượng bị tổn thương lớn nhất. Do vậy, thúc đẩy liên kết vùng để tập trung cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân là cần thiết cho phát triển bền vững.
Trong khi đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức phiên chuyên đề về huy động, điều phối nguồn lực cho phát triển vùng ghi nhận ý kiến của ông Hermen Borst, Phó Cao ủy Đồng bằng Hà Lan (Đại sứ quán Hà Lan) về việc lập một cơ quan đặc biệt chuyên trách về vấn đề đồng bằng có thẩm quyền giải quyết mọi vấn đề, thuận lợi, hạn chế cũng như tham mưu giải pháp trong ngắn và dài hạn ở ĐBSCL.
Nguồn nước là vấn đề trọng tâm của ĐBSCL |
Bộ Tài nguyên - Môi trường nhấn mạnh vào việc sử dụng các tài nguyên của ĐBSCL đặc biệt là nguồn nước. Cần phải xác định, nguồn nước không là thách thức mà phải biết thích ứng để sử dụng hiệu quả. Các mô hình kinh tế phù hợp với vị trí, số lượng, sự biến đổi nguồn nước ngọt, lợ, mặn... sao cho đạt hiệu quả cao nhất.
Các tham luận, đóng góp ý kiến tại Hội nghị sẽ là cơ sở để Chính phủ xem xét, ban hành Nghị quyết về phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL.
Cúc Phương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét